Có một số người bệnh chạy hết nước này đến nước khác, tốn rất nhiều tiền để cuối cùng lại quay trở về Việt Nam cho các bác sĩ Việt Nam chữa chạy vì… hết tiền.
Ngày xưa, cụ Nghị Quế bảo “đồng hồ tây có bao giờ sai đâu”. Ngày nay, các quan chức của chúng ta lũ lượt kéo nhau ra nước ngoài khám chữa bệnh, có cụ còn chết ở nước ngoài, và con cháu của các cụ không còn ân hận gì vì các cụ đã được chăm sóc hết mức tận tình. Mọi người còn nhớ vụ tổng thống Nga En-xin mổ tim không? Ông đã quyết định mổ tại Nga, do một bác sĩ Nga mổ. Rõ ràng là cái ông Bô-rit En-xin kia đã đặt lòng tự hào dân tộc lên trên cả sự an toàn tính mạng của cá nhân mình.
Đồng ý là bệnh viện nước ngoài xây dựng qui củ hơn, khang trang hơn, sự tiếp đón của họ cũng “ngon lành” hơn, bác sĩ của họ nhã nhặn, nhiệt tình hơn. Nhưng không thiếu những bệnh nhân của chúng ta vừa phải mất tiền, vừa phải ôm hận vì tính vọng ngoại của mình.
Một bệnh nhân bị u nội tủy, được chỉ định mổ. Sau khi các bác sĩ giải thích đã đời về cách thức mà họ sẽ mổ, bệnh nhân đi ra nước ngoài mổ. Ở đó bệnh viện khang trang, bác sĩ giải thích làm sao đó, chắc không thể nhiệt tình và cặn kẽ hơn bác sĩ Việt được, nhưng có sức thuyết phục hơn. Cuối cùng bệnh nhân được mổ bằng một kĩ thuật có từ năm 1925. Sau mổ lại được chiếu xạ. Ban đầu tình trạng cải thiện rất tốt. Đây là một người bệnh rất có tâm với ngành y, anh thông báo với các bác sĩ ở Việt Nam về tình hình, vừa thể hiện sự vui mừng, vừa có ý chỉ cho các bác sĩ những tiến bộ mới để họ có thể học tập. Ba tháng sau, anh gọi điện cầu cứu vì tình hình diễn biến giống như những gì những bác sĩ Việt Nam đã giải thích trước đó. Tiếc rằng khi ấy các bác sĩ cũng không còn giúp được gì cho anh. Có một số người bệnh chạy hết nước này đến nước khác, tốn rất nhiều tiền để cuối cùng lại quay trở về Việt Nam cho các bác sĩ Việt Nam chữa chạy vì… hết tiền.
Một số bác sĩ khi làm luận văn, luận án về các đề tài lâm sàng, kết quả thu được tốt hơn các nghiên cứu nước ngoài. Thầy hướng dẫn phải “điều chỉnh” ngay, rằng thì là mà số liệu thì cứ để như thế, nhưng kết luận phải bỏ cái chữ “hơn” mà để là “tương đương”. Vậy mà khi ra trình còn có thầy cho là kết quả không chính xác, làm sao mà tương đương được, cứ như là các bác sĩ Việt Nam không có đủ chất xám ấy. Tương tự vậy, khi trình bày về một kĩ thuật tiên tiến nào đấy, một số bác sĩ Việt Nam đi Tây về không thèm quan tâm, khi được hỏi đến thì trả lời rất gọn: “Thầy tôi bên Tây bảo cái đó là đồ bỏ”. Đến khi tình cờ chứng kiến cuộc mổ và kết quả, họ mới “té ngửa”, thì ra là cái “Tây” của họ lại đang nằm ở “vùng trũng”…