Dưới đây là 7 loại trái cây và rau củ rất giàu chất dinh dưỡng và chất chống oxy hóa, có lợi cho sức khỏe mà bạn nên chú ý để bổ sung hàng ngày.
Chất chống oxy hóa rất cần thiết cho cơ thể vì nó giúp cơ thể chống lại các gốc tự do gây tổn hại các tế bào. Các chất chống oxy hóa còn có nhiều chức năng trong việc duy trì sức khỏe, ví dụ như ngăn ngừa lão hóa, phòng chống bệnh ung thư, giúp chị em trẻ lâu…
Cách bổ sung chất chống oxy hóa tốt nhất là từ thực phẩm.
1. Quả việt quất
Bộ Nông nghiệp Mỹ xếp hạng quả việt quất là loại quả chứa nhiều chất chống oxy hóa nhất trong số các loại trái cây có chứa chất này. Một số các chất chống oxy hóa có trong quả việt quất là anthocyanins, phenol, axit ellagic, vitamin C và vitamin E.
Quả việt quất có chứa anthocyanin, đây chính là sắc tố tạo nên màu xanh đậm cho quả. Loại chất này có tác dụng vô hiệu hóa các gốc tự do dẫn đến bệnh ung thư và các bệnh liên quan đến tuổi. Ngoài ra, các chất dinh dưỡng chứa trong quả việt quất được chứng minh là có tác dụng duy trì và tăng cường thị lực, cải thiện trí nhớ, ngăn ngừa bệnh tim, giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu và làm chậm quá trình lão hóa…
2. Cải xoăn
Cải xoăn cũng là loại rau có chứa nhiều chất chống oxy hóa có lợi cho cơ thể. Các chất chống oxy hóa có trong cải xoăn bao gồm beta-carotene, lutein, selen, vitamin A, vitamin C và vitamin E.
Cải xoăn là một trong những nguồn tốt nhất của lutein – một chất giúp ngăn ngừa ung thư và phòng chống thoái hóa điểm vàng. Cải xoăn chứa rất nhiều lutein và beta-carotene, vì vậy thường xuyên ăn loại rau này có thể tránh được mù lòa và đục thủy tinh thể do tia UV gây ra.
3. Khoai lang
Khoai lang rất giàu beta-carotene, selenium, anthocyanins, vitamin A, vitamin C và vitamin E. Do đó, nếu bạn muốn cơ thể mình có nhiều chất chống oxy hóa để tăng cường sức khỏe, phòng bệnh, chống lão hóa thì không nên bỏ qua loại thực phẩm này.
Vitamin C, vitamin B6, beta carotene và mangan trong khoai lang giúp khoai lang có tính kháng viêm rất cao, làm mờ vết thâm, phòng chống bệnh mãn tính không lây. Ăn khoai lang 1-2 lần/tuần sẽ giúp cung cấp nhiều sinh tố có lợi, chất khoáng, chất xơ… nên không những làm căng da mà còn giảm nếp nhăn trên mặt, ngăn ngừa các bệnh về da như viêm da…
4. Rau xà lách
Trong rau xà lách chứa nhiều beta-carotene, lutein, selen, vitamin A, vitamin E, và vitamin C. Loại rau này thường được chế biến cho món salad hoặc bạn có thể tự chế biến theo ý thích của mình.
Chất magie trong xà lách có tác dụng hồi phục các mô cơ, tăng cường chức năng não. Do có chứa nhiều beta-carotene nên xà lách được coi là có thể ngăn ngừa ung thư, bệnh tim mạch, thấp khớp, đục thủy tinh thể… Một nghiên cứu đã được thực hiện tại ĐH Y khoa Utah (Mỹ) cho thấy xà lách có thể làm giảm rủi ro bị ung thư ruột kết ở cả nam lẫn nữ, do trong cải xà lách có chứa một tác nhân kháng ung thư là lutein.
5. Nấm đông cô
Trong nấm đông cô (còn gọi là nấm hương), hàm lượng selen và vitamin C là nhiều nhất. Đây cũng là hai dưỡng chất có tác dụng như các chất chống oxy hóa giúp tăng cường collagen cho cơ thể, giúp bạn phòng chống lão hóa và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Nấm đông cô có chứa chất polysaccharide có phân tử lượng cao (HNWP), và chất này đã được một vài cuộc nghiên cứu chứng minh rằng, nó có thể cải thiện chức năng miễn dịch ở người. Nấm đông cô mọc ở những khúc gỗ cây sồi màu đỏ và trắng có lượng HMWP cao hơn nấm mọc ở những khúc gỗ có nhựa cây.
6. Cà rốt
Cà rốt là một nguồn phong phú của beta-carotene, selenium, lutein, vitamin A, vitamin C và vitamin E.
Cà rốt có rất nhiều màu như đỏ, vàng, tía, cam… và cả màu trắng. Cà rốt đỏ có chứa lucopen, một dạng caroten có tác dụng ngăn ngừa bệnh tim và ung thư. Cà rốt vàng giàu xantofin, bổ cho mắt. Cà rốt tía có chứa một loại sắc tố hoàn toàn khác là antoxian có tác dụng như chất chống oxy hoá mạnh. Lutein có nhiều trong cà rốt màu cam, một trong những sắc tố hoàn thành sắc màu của điểm đen trong võng mạc người.
Tuy nhiên, các bác sĩ cũng khuyến cáo không nên ăn quá nhiều cà rốt vì lượng carorten có trong cà rốt sẽ không thể chuyển hoá thành Vitmin A, gây ứ đọng ở gan, gây ra những chứng bệnh vàng da, ăn không tiêu, mệt mỏi…
7. Ớt chuông
Ớt chuông chứa rất nhiều chất beta carotene, flavenoids, selen, cystein, lutein và vitamin A và C.
Chất carotenoids trong cà rốt có tác dụng kháng viêm hiệu quả, kể cả viêm khớp. Trong ớt chuông cũng có nhiều vitamin C nên nó không những tốt cho làn da của chị em mà còn có thể ngăn ngừa nguy cơ phát triển một số loại viêm khớp cao hơn những người khác.
Các hợp chất capsaicin trong ớt chuông có khả năng điều trị ung thư bằng cách ngăn chặn chất gây ung thư kết nối với ADN. Ớt chuông có khả năng ngăn chặn các tế bào ung thư và tiêu diệt chúng.