Một trong những yếu tố lựa chọn bạn đời được đánh giá cao của tôi chính là anh ấy phải biết làm việc nhà.
Nói như vậy không có nghĩa tôi muốn một ông chồng kiêm “người giúp việc”, tôi chỉ mong anh ấy làm tốt vai trò một người chồng – người trụ cột của gia đình.
Tôi nghĩ dù trong thời đại nào thì một người đàn ông chân chính cũng nên biết làm việc nhà. Người quân tử cần đạt 9 chữ “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Tức là muốn trở thành một người quân tử, làm việc lớn thì trước hết họ phải là những con người rất bình thường, biết làm những công việc được cho là nhỏ nhặt nhất. Từ những công việc nhỏ nhất họ mới hiểu ra nhiều giá trị mà nếu không làm thì chẳng bao giờ biết được. Nếu không biết được thì liệu có thể quản lý được không? Xã hội đời xưa đã hiểu quan niệm về người quân tử này một cách sai lạc. Họ cho rằng công việc nhà là một sự tầm thường, là một nỗi sỉ nhục lớn đối với người đàn ông. Đã là đàn ông thì phải làm lớn, làm những công việc ngoài xã hội, còn việc nhà là của đàn bà. Phụ nữ khi ấy thì cam chịu vì sự ảnh hưởng nặng nề của định kiến xã hội, họ không dám vùng lên, nếu dám cũng chỉ nhận được một kết cục bất hạnh.
Quay trở lại với xã hội ngày nay, khi mà các trào lưu tư tưởng, quan niệm sống mới đã tác động mạnh mẽ đến xã hội cũng như từng cá nhân, người phụ nữ được giải phóng nhiều hơn khỏi sự kìm kẹp của định kiến xã hội và cũng có nhiều cơ hội hơn để khẳng định năng lực bản thân. Ngoài công việc gia đình, họ cũng có công việc ngoài xã hội, có đóng góp lớn không chỉ về mặt tinh thần mà cả vật chất cho gia đình. Đương nhiên với sự đóng góp đó, họ phải đối mặt với nhiều áp lực hơn, họ không thể có nhiều tay để giải quyết mọi công việc lớn nhỏ trong gia đình và xã hội. Chính vì vậy, được chồng hỗ trợ sẽ là nguồn động viên lớn giúp họ có thêm năng lượng, giảm bớt những áp lực của cuộc sống thường ngày. Điều đó có gì sai?
Nhiều người đàn ông thẳng thắn bày tỏ quan niệm giúp đỡ vợ việc nhà hay làm những công việc xưa nay đã được xã hội mặc định là của phụ nữ là việc “hèn hạ”. Tôi coi đó là những lời ngụy biện cho sự ích kỉ của họ.
Đáng buồn thay, không chỉ có đàn ông ủng hộ quan điểm đó mà ngay cả không ít chị em phụ nữ – những người luôn than vãn rằng mình khổ vì phải một mình làm việc nhà – cũng đồng tình với quan điểm trên. Họ chấp nhận, cam chịu một cách nhu nhược. Tôi nghĩ nếu họ vẫn cứ tỏ thái độ như vậy thì chẳng bao giờ thoát cảnh vất vả bất công đó.
Bản thân tôi cho rằng bình đẳng giới không phải điều gì quá to tát, đơn giản là hai vợ chồng hãy chia sẻ, hỗ trợ nhau, giúp nhau phát huy những thế mạnh chứ không phải là tâm lý cào bằng: chồng làm được thì vợ cũng phải làm được và ngược lại. Tôi biết nhiều người đàn ông cũng rất muốn giúp đỡ vợ công việc nhà nhưng vì nhiều lý do, nhất là định kiến xã hội khiến các anh e ngại. Tôi rất mong các anh hãy vượt qua và nhìn nhận vấn đề theo một góc độ khác. Giúp vợ làm việc nhà cũng là cách thể hiện yêu thương. Anh yêu vợ, tại sao không thể hiện? Việc đâu quá khó.