Một số dấu hiệu giúp phát hiện sớm bệnh tiểu đường như, thị lực giảm, thường đói và mệt mỏi, đi tiểu nhiều hơn và luôn thấy khát, miệng khô ngứa da…
Với tiểu đường tuýp 1, biểu hiện bệnh thường xảy ra rất nhanh, chỉ trong vài ngày hoặc vài tuần và nghiêm trọng hơn rất nhiều so với tiểu đường tuýp 2.
Cả tiểu đường tuýp 1 và 2 có một số dấu hiệu cảnh báo tương tự nhau như:
Đói và mệt mỏi: Cơ thể chuyển đổi thực phẩm ăn vào thành đường glucose – cung cấp năng lượng cho các tế bào. Tuy nhiên, để các tế bào hấp thụ được glucose thì cần có insulin. Nếu cơ thể không sản sinh đủ insulin hoặc các tế bào kháng với loại insulin cơ thể sản sinh thì đường glucose không thể được hấp thụ vào và bạn sẽ không có năng lượng. Điều này khiến bạn lúc nào cũng cảm thấy đói mà mệt mỏi.
Đi tiểu nhiều hơn và luôn thấy khát. Trung bình một người thường đi tiểu 4 – 7 lần trong cả một ngày, nhưng những người mắc bệnh tiểu đường số lần tiểu thường nhiều hơn.
Lý do là bệnh tiểu đường khiến lượng đường trong máu cao, cơ thể sẽ tìm cách loại bỏ lượng đường dư thừa, thận hoạt động mạnh hơn, do đó đi tiểu nhiều hơn. Bởi vì đi tiểu quá nhiều lần nên bạn cảm thấy khát nước. Khi đó, càng uống nhiều nước, bạn càng đi tiểu nhiều.
Miệng khô và ngứa da. Da ngứa là kết quả của việc da bị khô, cơ thể không đủ nước vì mất ra ngoài do đi tiểu nhiều lần. Mất nước cũng khiến bạn thấy khô miệng.
Nhìn mờ. Glucose máu cao có thể khiến thủy tinh thể sưng lên, thay đổi hình thái khiến mắt mất khả năng tập trung. Hậu quả là bạn có cảm giác nhìn mờ.
Dấu hiệu khác của tiểu đường tuýp 1
Giảm cân đột ngột. Khi cơ thể không thể sinh năng lượng từ thức ăn, nó sẽ lấy năng lượng từ mỡ và các cơ. Vì thế, bạn có thể giảm cần ngay cả khi không thay đổi chế độ ăn.
Buồn nôn và nôn. Khi chất béo bị phân giải để tạo năng lượng thì cơ thể sẽ tạo ra một chất mới là ketone. Quá trình tích tụ chất này có thể để lại hậu quả nghiêm trọng là nhiễm toan xeton. Điều này khiến bạn thấy buồn nôn, nôn.
Khi nào nên đi khám. Nếu ở tuổi hơn 45 và có nguy cơ mắc tiểu đường, bạn nên đi kiểm tra đường huyết. Phát hiện sớm bệnh có thể giúp bạn ngừa được nhiều biến chứng nguy hiểm như tim mạch, thần kinh…
Biểu hiện khác của bệnh tiểu đường tuýp 2
Nhiễm nấm. Điều này xảy ra ở cả hai giới khi mắc bệnh tiểu đường. Nấm có thể phát triển ở bất cứ vùng da nhiều nếp gấp ấm ấp, ẩm như kẽ ngón tay và chân; dưới vú, trong hoặc xung quanh bộ phận sinh dục.
Lâu lành vết thương. Theo thời gian, lượng đường cao trong máu ảnh hưởng đến dòng chảy của máu và gây tổn hại đến các mạch máu. Điều này khiến các vết sẹo, cắt trên cơ thể lâu liền.
Chân hoặc bàn chân bị đau, tê. Đây cũng là hậu quả do tổn thương dây thần kinh.
Khi gặp những dấu hiệu trên cần đi khám và điều trị kịp thời.