Sử dụng lò vi sóng không đúng cách có thể gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe của con người. Bên cạnh đó, lò vi sóng sẽ trở nên nguy hiểm khi người dùng sử dụng không chính xác như nấu chín thực phẩm không đồng đều, bị bỏng nước do hơi nước thoát ra từ lò, bức xạ bị rò rỉ do hư hỏng lò nướng nhưng tỉ lệ là khá nhỏ.
Băn khoăn
Chị Nguyễn Thị H.(Cầu Giấy, Hà Nội)muốn mua lò vi sóng để tiện hâm bột cho con ăn hằng ngày. Tuy nhiên, chị nghe bạn bè cho biết,hâm nóng thức ăn bằng lò vi sóng thôi cũng không tốt, vì sóng viba của lò vi sóng tác động đến các tế bào chất của thực phẩm, làm biến chất thực phẩm và lâu dài gây tác hại cho người ăn thực phẩm đó.
Anh Trần Văn T. chia sẻ, tôi thường để cốc cafe trong lò vi sóng hâm nóng, thậm chí tôi còn đun nước bằng thiết bị này để pha sữa cho con. Tuy nhiên, tôi có đọc một số thông tin thấy hiểm họa khôn lường từ việc làm này. Tôi đang rất hoang mang không biết đúng hay sai.
Cũng như chị H. và anh T., thực tế có rất nhiều người e ngại về ảnh hưởng của lò vi sóng đối với thực phẩm. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của các nhà khoa hoc, lo ngại về việc sóng viba có thể phá hủy chất dinh dưỡng hay do lò vi sóng làm cho thực thẩm mất an toàn là không có cơ sở. Mặc dù lò vi sóng – cũng như mọi phương pháp nấu nướng khác – đều làm giảm một lượng nhỏ vitamin có trong thực phẩm, nhưng nhiều bằng chứng cho thấy thực phẩm chế biến bằng lò vi sóng thậm chí còn tốt hơn chế biến theo những cách truyền thống.
Nguyên tắc của lò vi sóng
Nguyên tắc của lò viba là sử dụng sóng điện từ cực ngắn để làm chín thực phẩm. Dưới ảnh hưởng của sóng điện từ, nước trong thực phẩm chuyển động nhanh mạnh, sinh ra nhiệt và làm chín thức ăn. Với các bếp nấu thông thường, nhiệt độ tác động vào thực phẩm dần dần từ ngoài vào trong nên thực phẩm sẽ chín từ ngoài vào trong, mặt ngoài sém vàng. Trái lại, ở lò vi sóng thì sóng chui sâu khoảng 2,5cm, làm chín thực phẩm từ trong ra, nên thời gian nấu nhanh hơn bếp thường tới 4 lần và dùng ít năng lượng hơn.
Tuy nhiên, không phải loại thực phẩm nào cũng nấu được bằng lò vi sóng; sóng điện từ phân phối không đều, có chỗ nóng nhiều như ở chung quanh lò và chỗ ít nóng như ở giữa lò, cho nên thực phẩm ở giữa lò chậm chín hơn ở chung quanh lò. Để khắc phục thì khi nấu, bạn nên xếp thực phẩm theo vòng tròn, phần thực phẩm to, dày quay ra ngoài.
Lưu ý khi sử dụng cụ để nấu trong lò vi sóng
– Chỉ sử dụng dụng cụ được sản xuất đặc biệt chuyên cho lò vi sóng. Khay, đĩa, tô thủy tinh, sứ và nhựa đều cần phải được dán nhãn sử dụng cho lò vi sóng. Không bao giờ dùng tô, đĩa chất liệu kim loại trong lò vi sóng vì nó có thể gây ra tia lửa.
– Không bao giờ dùng các tô, khay nhựa như hộp bơ và các loại hộp dùng một lần để quay thức ăn trong lò vi sóng. Các dụng cụ loại này khi gặp nhiệt độ cao có thể tan chảy, khiến các hóa chất độc hại ngấm vào thức ăn.
– Nên dùng đồ nấu to hơn món ăn để khỏi tràn ra ngoài. Không bao giờ sử dụng túi nilon mỏng, các hộp xốp, bao giấy nâu vì hóa chất độc từ các thứ này khi nóng có thể khuếch tán vào thức ăn.
Không nên đặt lò dưới đất, nơi có độ ẩm cao hoặc sát các đồ điện khác. Tránh để thực phẩm trào ra làm hỏng lò. Muốn lò vi sóng bền và an toàn, cần cắm thiết bị này vào một nguồn điện riêng, ổ cắm phải chắc chắn, tốt nhất là ổ gắn cố định trên tường. Không nên để thức ăn trong túi nhựa hoặc túi giấy khi đưa vào lò. Nếu có khói xuất hiện trong lò, nên tắt nguồn ngay. Luôn luôn tắt lò vi sóng trước khi mở cửa lò.